Có những thời điểm nhất định chúng ta biết mình mất cân bằng. Cuộc sống trở nên vô cùng bận rộn, căng thẳng và chúng ta dành quá nhiều thời gian cùng năng lượng dự trữ cho công việc hoặc trong những tình huống khó khăn.
Yoga là sự thực hành thể chất và tinh thần có bề dày lịch sử hơn 5000 năm, có khả năng giải tỏa các tắc nghẽn, cân bằng thân tâm và khơi dậy năng lượng sống từ bên trong cho những người tập luyện. Nếu bạn tìm đến Yoga để đạt được các lợi ích đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn biết rằng với bề dạy lịch sử hơn 5000 năm, Yoga đã phát triển với rất nhiều loại hình, từ Hatha Yoga, Ashtanga Yoga, Vinyasa Yoga đến Yin Yoga…
Vậy đâu là loại hình Yoga giúp giải tỏa stress hiệu quả nhất để phục hồi năng lượng sống? Hãy cùng khám phá nhé!
1. Hatha Yoga
Hatha Yoga là một trong những loại hình Yoga phổ biến nhất, được thiết kế để thúc đẩy sự kết nối và cân bằng giữa cơ thể và tâm trí. Từ “ha” có nghĩa là mặt trời và “tha” có nghĩa là mặt trăng. “Hatha” có nghĩa là Yoga mang lại sự cân bằng giữa mặt trời và mặt trăng trong bạn.
Một lớp học Hatha Yoga thường kéo dài từ 45 phút đến 90 phút, bao gồm kỹ thuật thở, các tư thế Yoga (Asana) và thiền định. Chúng thường được thực hành chậm rãi và giữ ở tư thế tĩnh (điều khác biệt so với Ashtanga Yoga và Vinyasa Yoga). Tuy nhiên, dù nhẹ nhàng, Hatha Yoga vẫn có thể là một thử thách lớn về thể chất và tinh thần với những người hiện đại ít vận động, thường xuyên căng thẳng.
Dưới đây là cấu trúc của một lớp học Hatha Yoga điển hình:
- Thở: Hầu hết các lớp Hatha Yoga đều bắt đầu bằng một khoảng thời gian tập trung vào hơi thở (Pranayama) của bạn. Khi bạn thực hiện các tư thế, giáo viên sẽ tiếp tục nhắc bạn tập trung vào hơi thở và có thể đưa ra các phép hít thở khác nhau để bạn luyện tập.
- Chuỗi tư thế: Các tư thế Yoga, còn được gọi là Asana, là một loạt các chuyển động giúp cải thiện sự cân bằng, tính linh hoạt và sức mạnh thể chất với cấp độ khó khác nhau.
- Thiền định: Hầu hết các lớp học Hatha Yoga kết thúc bằng khoảng thời gian thiền ngắn. Trong khoảng thời gian yên tĩnh suy ngẫm này, giáo viên của bạn có thể yêu cầu bạn nằm ngửa và lắng dịu với âm thanh thiên nhiên thư giãn.
Hatha Yoga chính là loại hình mang đến một điểm đối trọng tốt cho lối sống bận rộn, nhiều áp lực và cạn kiệt năng lượng sống. Tham gia lớp Hatha Yoga có thể giúp bạn giảm căng thẳng và giải phóng tắc nghẽn thân tâm, tiếp thêm sinh lực cho toàn bộ cơ thể.
2. Yin Yoga
Thường được ví là sự thực hành chiêm nghiệm và yên tĩnh – Yin Yoga dựa trên khái niệm Đạo giáo về âm và dương, các nguyên tắc đối lập và bổ sung trong tự nhiên. Âm là mặt ổn định, bất động, tiềm ẩn của sự vật; dương là khía cạnh thay đổi, di chuyển, lộ ra. Trong cơ thể, các mô liên kết tương đối cứng (gân, dây chằng) là âm, trong khi các cơ và máu linh hoạt, mềm dẻo hơn là dương. Yin Yoga nhắm vào các mô sâu nhất của cơ thể, các mô liên kết – dây chằng, khớp, xương cùng mạng lưới kinh mạch. Điều này trái ngược với Vinyasa Yoga nhắm vào các cơ.
Mô liên kết đáp ứng tốt nhất với tải trọng chậm và ổn định. Nếu bạn nhẹ nhàng kéo căng các mô liên kết bằng cách giữ tư thế Yin trong một thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách làm cho chúng dài hơn và khỏe hơn. Ở mức độ năng lượng, Yin Yoga cải thiện dòng năng lượng và tăng cường dòng khí trong các cơ quan. Việc luyện tập Yin Yoga, vì thế, có thể mang lại những lợi ích to lớn cho tinh thần và cảm xúc.
Yin Yoga là loại hình dành cho bạn nếu bạn mệt mỏi và khao khát năng lượng hoặc bạn đang bị kích thích quá mức và có quá nhiều năng lượng. Thế giới hiện đại tấn công chúng ta bằng các tác nhân kích thích 24/7, khiến tâm trí liên tục xử lý tất cả thông tin được ném vào. Cho dù thông tin có giá trị hay không, tâm trí vẫn phải đối phó. Cuối cùng, chúng ta quen với mức độ kích thích đó và bắt đầu khao khát nó nếu mọi thứ trở nên im ắng.
Yin Yoga cho bạn thời gian và không gian để những cảm xúc, suy nghĩ mà bạn kìm nén bộc lộ ra ngoài. Điều này giải tỏa tâm trí khỏi những cảm xúc vô thức và do đó, tạo cơ hội cho cơ thể của bạn vượt qua sự tắc nghẽn mà những cảm xúc đó đã gây ra. Thật là một lợi ích tuyệt vời và rất cần thiết!
3. Vinyasa Yoga
Trong tiến Phạn, Vinyasa là kết hợp của “Vin” = “đặt” và “Yasa” = “theo một cách đặt biệt”, mang ý nghĩa là “chuyển động có chủ đích.” Vinyasa Yoga giúp bạn thực hiện chính xác điều này vì nó khuyến khích luyện tập từng tư thế một cách có chủ đích, liên tục chuyển từ tư thế này sang tư thế khác nhưng vẫn giữ cho tâm trí và cơ thể kết nối với hơi thở. Bởi vì tính chất tập trung và nhịp độ nhanh mà Vinyasa Yoga có thể khó đối với trình độ của người mới bắt đầu.
Vậy Vinyasa Yoga tốt cho những người đang gặp căng thẳng và cạn kiệt năng lượng sống như thế nào? Loại hình này làm dịu cả tâm trí và cơ thể vì sự chuyển động kết hợp với hơi thở có thể được xem là một hình thức “thiền chuyển động”. Chuyển tiếp liên tục qua các tư thế Yoga khác nhau đòi hỏi mức độ tập trung cao và kiểm soát hơi thở tốt, để lại ít khoảng trống trong tâm trí cho những căng thẳng và lo lắng.
Thực hành Vinaysa Yoga mang những gì ẩn sâu trong con người chúng ta lên bề mặt để chúng ta có thể nhìn thấy nó. Bên trong cơ bắp, chúng ta lưu giữ những ký ức về mọi cảm xúc mà chúng ta từng trải qua: buồn bã, sợ hãi, tức giận,… Thông qua các Asana, chúng ta có thể khai thác những ký ức này và xử lý quá khứ của mình.
Chính các Asana giải phóng cảm xúc ra khỏi cơ thể và tham gia vào quá trình chữa lành tinh thần, cảm xúc và thể chất. Với các chuỗi chuyện động của Vinyasa Yoga, bạn có thể gạt bỏ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sang một bên, nạp lại năng lượng từ bên trong và bước vào một tư duy tích cực hơn.
4. Ashtanga Yoga
Ashtanga Yoga là một loại hình Yoga cổ điển với các chuỗi tư thế được thiết lập cố định, mạnh mẽ và đầy thử thách. Từ Ashtanga bao gồm hai từ tiếng Phạn, “Ashta” và “Anga.” “Ashta” dùng để chỉ số tám, trong khi “Anga” có nghĩa là tay chân hoặc bộ phận cơ thể. Do đó, Ashtanga là sự kết hợp của tám nhánh Yoga thành một hệ thống toàn diện, hoàn chỉnh.
Sự khác biệt giữa Ashtanga Yoga và Vinyasa Yoga đó là với Ashtanga, bạn sẽ thực hành một chuỗi các Asana được thiết lập cố định trong khi Vinyasa mang phong cách tự do và ngẫu hứng hơn. Có 3 yếu tố chính cần chú ý trong Ashtanga Yoga. Đó là:
- Pranayama (thở)
- Asana (tư thế)
- Dristhi (cái nhìn)
Ba yếu tố này khi được thực hành kết hợp với nhau sẽ cho phép cơ thể, tâm trí và hệ thần kinh được thanh lọc theo thời gian.
Mặc dù lớp học Ashtanga Yoga có thể là thử thách về thể chất, không dành cho tất cả mọi người, nhưng việc lặp lại các chuỗi tư thế cho phép học viên đã chọn nó biết chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này có thể mang lại cảm giác ổn định, khuây khỏa và thoải mái cho những người đang đối diện với tình trạng căng thẳng, lo lắng mãn tính. Nó có thể giúp tâm trí tập trung mà không sợ hãi về tương lai hoặc cho phép tâm trí đi lang thang một cách an toàn khi học viên thực hiện các tư thế.
Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác bế tắc trong đầu và những lo lắng kinh niên khiến chúng ta kiệt sức. Lời khuyên của Năng Lượng Sống là nếu bạn mới bắt đầu và còn yếu về thể lực, sức bền, loại hình Hatha Yoga và Yin Yoga sẽ là lựa chọn phù hợp giúp bạn giải tỏa stress và phục hồi năng lượng. Đây là 2 loại hình dễ tiếp cận, mọi người đều có thể thực hành và cảm nhận được lợi ích của chúng. Trong khi đó, Vinyasa Yoga và Ashtanga Yoga đòi hỏi bạn thể lực tốt hơn, tập luyện với tốc độ nhanh hơn và cường độ cao hơn.
Và bạn biết đấy, khi bước lên thảm tập Yoga, dù tập luyện theo loại hình nào, chúng ta cũng đều có cơ hội giải phóng sự kìm kẹp của căng thẳng đeo bám và quay trở lại với cơ thể chân thật của mình. Đó là điều khiến Yoga có thể trở thành công cụ chăm sóc thân tâm toàn diện, quý giá nhất mà bạn có thể có.